BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Lượt xem:

Đọc bài viết

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là anh hùng vô danh”, Người còn khẳng định “Nhiệm vụ giáo dục rất vất vả nhưng thật vẻ vang, không có thầy cô giáo thì không có giáo dục”.Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc sinh thời, đã từng viết ” Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao qúy 

Dân tộc VN ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Cha ông  ta từ ngàn xưa đã dạy rằng: “ Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Dựa trên những truyền thống quý báu đó Đảng và nhà nước ta đã chọn ngày 20/11 hàng năm làm ngày tôn vinh các thầy cô giáo. Vì thế, ngày 20/11 không chỉ là ngày lễ của riêng ngành giáo dục mà còn là ngày hội lớn của toàn xã hội. Đây là ngày hội quan trọng nhằm tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo,  những người làm công tác giáo dục; đồng thời thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với “những kĩ sư tâm hồn”. Trước hết, chúng ta hãy ôn lại đôi nét về lịch sử truyền thống ngày 20/11.

Ngày 20/11 có một lịch sử thật đáng tự hào đối với các nhà giáo tiến bộ trên thế giới nói chung và với các nhà giáo Việt Nam nói riêng. Năm 1946,  để đấu tranh chống lại những quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản dân chủ, phản khoa học, các nhà giáo tiến bộ trên thế giới đã liên kết lại để thành lập: “ Liên hiệp công đoàn giáo dục quốc tế” đặt trụ sở tại Pa ri. Năm1949, tại hội nghị ở Vac-sa-va- thủ đô Ba Lan, “ Liên hiệp công đoàn giáo dục quốc tế”  đã xây dựng bản “Hiến chương các nhà giáo quốc tế” gồm 15 chương.

Bản “Hiến chương các nhà giáo quốc tế” đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân nhiều nước trên thế giới. Năm 1953 Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng đã chính thức công nhận bản hiến chương này và gia nhập tổ chức “Liên hiệp  công đoàn giáo dục quốc tế”. Do tính chất đúng đắn và cực kỳ tiến bộ của bản“ Hiến chương các nhà giáo quốc tế ”năm 1957, hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 họp tại Vac-sa-va đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” nhằm tôn vinh nghề dạy học và củng cố, phát triển mạnh mẽ nền giáo dục tiến bộ trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, do hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt, năm 1958, lần đầu tiên ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế được tổ chức trên toàn miền Bắc. Ngày 20/11 bắt đầu trở thành niềm tự hào của các nhà giáo và dần dần đi vào tiềm thức của nhân dân và các thế hệ học sinh. Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 20/11 được tổ chức rộng rãi trên toàn quốc. Dưới sự chỉ đạo, ủng hộ và giúp đỡ của các cấp Đảng ủy, Chính quyền, đoàn thể và nhân dân cả nước, ngày hiến chương các nhà giáo quốc tế đã được tổ chức đều đặn hàng năm. Do tính chất và mục đích tốt đẹp của ngày hiến chương các nhà giáo quốc tế, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các thầy cô giáo Việt Nam, năm 1982, Bộ giáo dục và đào tạo đã chính thức đề nghị Chính phủ nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày nhà giáo Việt Nam”Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên được Đảng, nhà nước, Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức rất trang trọng tại Quảng trường Ba Đình –HN vào ngày 20/11 năm 1982. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, của nhà nước về vị trí, vai trò của Nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Ngày nhà giáo Việt Nam ra đời cho đến nay đã 42 năm. Sau mỗi ngày hội của mình, toàn ngành giáo dục, từng thầy cô giáo đã được động viên khích lệ, được giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần để vượt qua khó khăn gian khổ, thi đua dạy tốt, rèn luyện phẩm chất để “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.  Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo trong ngành giáo dục thêm tự hào về truyền thống của ngành, cố gắng nỗ lực vượt qua thử thách và khó khăn, nguyện làm tròn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp trồng người góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.

Để hưởng ứng lễ kỉ niệm 42 năm ngày Nhà giáo VN, trong tháng 11 này, trường THPT Ea Súp đã phát động phong trào thi đua Dạy tốt-Học tốt. Đối với các thày cô giáo- sẽ tiến hành thi giờ dạy tốt. ĐV các em học sinh sẽ thi đua dành nhiều bông hoa điểm tốt, giờ học tốt,… Tôi hi vọng rằng  tất cả các em sẽ cố gắng, nỗ lực không ngừng để phát triển toàn diện hơn về  văn –thể -mỹ, để phong trào thi đua của trường ta thành công tốt đẹp.

Kính trọng thầy cô giáo là nét đẹp của dân tộc Việt Nam – một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Nhân ngày 20 11 – kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), xin trân trọng kính chúc quý thầy cô cùng toàn thể cán bộ, nhân viên các nhà trường thật nhiều sức khỏe, tiếp tục phát huy truyền thống nhà giáo, luôn vững bước trên con đường phát triển sự nghiệp giáo dục.